BHXH tự nguyện cho người chưa đủ năm đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu?

Hỏi: Mẹ tôi sinh ngày 18/09/1960. Tháng 03/2018 này, mẹ tôi nghỉ hưu với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 17 năm 05 tháng. Mẹ tôi muốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu để cho hưởng lương hưu có được không? Phương thức ra sao? Nếu mẹ tôi không tham gia bảo hiểm xã hôi tự nguyện thì mẹ tôi được hưởng những gì?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phòng tư vấn 0983525955 - 0931047999 – Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, Điều kiện hưởng lương hưu

Căn cứ theo quy định tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng lương hưu thì:

“ 1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu”

Do khi đến tuổi nghỉ hưu, mẹ bạn chưa đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, tuy nhiên mẹ bạn có quyền đóng Bảo hiểm tự nguyện theo quy định.  Như vậy:

TH1: Mẹ bạn tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện

-  Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Căn cứ Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

“ Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:

1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.”

Như vậy, mẹ bạn có thể lựa chọn mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập mà mẹ bạn lựa chọn đó.

- Phương thức đóng BHXH tự nguyện

Căn cứ Điều 9 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về phương thức đóng thì:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng bảo quỹ hưu trí và tử tuất:

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.”

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định về thời điểm hưởng lương hưu thì:

“ Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này để đủ Điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.”

Vì thời gian đóng BHXH của mẹ bạn còn thiếu là 2 năm 7 tháng (thiếu không quá 10 năm), do vậy mẹ bạn có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đó để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và thời điểm hương lương hưu tính từ 01 tháng liền kề sau khi mẹ bạn đã đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội cho những năm còn thiếu.

TH2: Mẹ bạn hưởng luôn chế dộ BHXH

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động:

“ …Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, sau 01 năm nghỉ việc mà mẹ bạn không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì mẹ bạn có quyền yêu cầu được nhận bảo hiểm xã hội một lần, với mức hưởng theo mỗi năm được tính theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13), như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014…”

Như vậy, theo quy định trên thì mẹ bạn vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn 0983525955 - 0931047999 để được giải đáp cụ thể hơn.

Trân trọng./.

Chuyên viên Ngô Thị Thanh Hà

 

 

Bình luận

Thêm bình luận