Thương bố, các con từng có ý định bảo bố tạm hoãn lại mọi việc để tịnh dưỡng cho khỏe. Nhưng ông Xương không chấp nhận, ông bảo mình phải tiếp tục, phải cố sống cho đến ngày mọi việc được sáng tỏ.
Uẩn khúc trong việc đền bù 25 ha đất ở Mường La
Ông đã không vượt qua nổi những cơn đau và nỗi ấm ức khi bỗng dưng mất trắng 25 ha đất mà cả tuổi trẻ của ông đã dồn hết tâm huyết và công sức vào đó. Dù ông mới hơn 50 tuổi. Ở cái tuổi đấy, nhiều người còn khỏe lắm.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, nhờ vào sự cần cù, không ngại gian khó, trải qua hơn 20 năm trời, cả khu đất cằn cỗi bỗng hóa xanh tốt. Rồi Nhà nước khởi công xây dựng thủy điện Sơn La, ông cùng gia đình đều phải di cư đến nơi sinh sống mới.
Nhưng điều khiến cho lão nông choáng váng khi mọi người đều được hỗ trợ thỏa đáng. Trong khi, ông cùng gia đình chỉ nhận được phần hỗ trợ đền bù tài sản trên đất. Diện tích đất 25 ha mà cả tuổi trẻ mình đã dồn hết tâm huyết và công sức vào đó, người ta không giải quyết với lý do là phần đất ấy đã thuộc quyền quản lý của một đơn vị khác.
Không chấp nhận lý do trên, lão nông vác đơn đi kêu cứu khắp nơi, rồi gửi đơn kiện ra tòa án.
Trước đó, một phiên tòa đã được mở, và đã hoãn. Ngày 12/9 tới đây, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục mở phiên tòa tiếp để giải quyết những khiếu nại của ông. Nhưng lão nông đã không chờ đợi đến ngày mọi việc được sáng tỏ, dân quanh vùng ai cũng ngậm ngùi thương xót.
Đó là câu chuyện của ông Lò Văn Xương, nơi ở cũ ở bản Nà Hựa (xã Mường Trai, huyện Mường La, Sơn La). Ông Xương là đối tượng di chuyển tái định cư tự nguyện do ảnh hưởng vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, nơi ở hiện nay ở bản Ten, thị trấn Ít Ong.
Một góc xã Mường Trai Ảnh tư liệu
Ngã ngửa khi biết lý do không đền bù đất
Trước đó, phản ánh đến báo điện tử Tầm Nhìn, ông Xương cùng gia đình cho biết: Từ năm 1989, ông cùng gia đình lên làm trang trại , địa điểm giáp bản Huổi Ban, xã Mường Trai.Cho đến năm 1997, UBND xã Mường Trai và Ban quản lý HTX Huổi Ban đã thống nhất giao đất và đồi núi trọc cho gia đình trồng rừng, trồng cây ăn quả với tổng diện tích 25ha.
Từ đó cho đến nay, ông Xương cùng gia đình vẫn sử dụng và cai quản mảnh đất, ranh giới rõ ràng, phù hợp với mục đích được giao, cho đến ngày phải di dân tái định cư phục vụ việc xây dựng thủy điện Sơn La. Nhà nước thu hồi đất, ông Xương mòn mỏi chờ đợi mãi mà không thấy được nhận tiền đền bù như những thửa đất bên cạnh.
Ông làm đơn khiếu nại, thì ngã ngửa khi biết diện tích đất của mình đã được UBND huyện Mường La cấp cho Hội phụ lão bản Huổi Ban tại Quyết định số 849/QĐ- UBND ngày 18/12/2002. Diện tích rừng này tính từ năm 2002, Nhà nước hàng năm vẫn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là Hội phụ lão bản Huổi Ban.
Trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 2571 ngày 21/7/2016, UBND huyện Mường La đã bác yêu cầu đòi bồi thường về đất của gia đình ông.
Quyết định giải quyết khiếu nại số 2571
Hôm lên gặp ông Xương, thì lão nông khốn khổ này đã nằm liệt giường vì suy nghĩ và đau lòng ngã bệnh. Ông không cho chúng tôi chụp ảnh chân dung, vì sợ “dự cảm xấu”, nhưng cũng cố gắng bảo người nhà đỡ dậy để tâm sự. Ông bảo rằng mọi chuyện diễn ra cực kỳ vô lý: “Rõ ràng, cả nhà đang sinh sống trên mảnh đất 25 ha đấy cho đến ngày di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, thì cớ sao lại xuất hiện cái giấy CNQSDD của hội phụ lão bản Huổi Ban từ năm 2002? Đáng lẽ, khi người ta giao đất cho hội phụ lão thì trước đó phải có Quyết định thu hồi đất và thông báo cho tôi biết chứ? ”.
Thương bố, các con từng có ý định bảo bố tạm hoãn lại mọi việc để tịnh dưỡng cho khỏe. Nhưng ông Xương không chấp nhận, ông bảo mình phải tiếp tục, phải cố sống cho đến ngày mọi việc được sáng tỏ. Ông viết đơn khởi kiện ra tòa án.
Có gì trong phiên tòa đã bị hoãn?
Trao đổi với Tầm Nhìn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ, Quyết định số 2571/QĐ-UBND của UBND huyện Mường La bác yêu cầu bồi thường về đất của gia đình ông Xương có nhiều nội dung không đúng và trái quy định của pháp luật, dẫn đến xâm phạm quyền lợi hợp pháp của gia đình ông.
Bởi lẽ, về nguồn gốc đất, gia đình ông Xương đã được giao đất phát triển kinh tế kết hợp trồng rừng, việc giao đất được thể hiện bằng văn bản. Từ đó cho đến nay, gia đình ông Xương vẫn sử dụng ổn định, phù hợp với mục đích được giao và không có tranh chấp gì ở diện tích đất nêu trên.
Giấy chứng nhận của Hội phụ lão bản Huổi Ban
Tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự quy định: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 104 của Bộ luật này quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.
Thứ 2, việc xuất hiện chiếc sổ đỏ “ma” năm 2002 do UBND huyện Mường La cấp cho Hội phụ lão bản Huổi Ban là trái với quy định của pháp luật. Vì gia đình ông Xương không bị thu hồi đất, cũng không ai biết đến sự việc đấy. Một mặt khác, Hội phụ lão bản Huổi Ban chỉ là tổ chức xã hội không có chức năng sản xuất kinh doanh.
Luật sư Tuấn kể lại, trong phiên tòa lần đầu hồi giữa năm 2017 được mở để giải quyết đơn kiện của gia đình ông Lò Văn Xương, Hội phụ lão đã trả lời rằng họ không trực tiếp sản xuất trên đất, không có đơn đề nghị cấp đất. Như vậy, có giả thiết việc xuất hiện chiếc sổ đỏ “ma” năm 2002 là do UBND xã Mường Trai và UBND huyện Mường La tự làm với mục đích lấy tiền chăm sóc bảo vệ rừng theo quy định là 25 triệu/01 năm.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cùng công ty Luật Đại Nam là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông Lò Văn Xương trong vụ khiếu kiện đòi tiền đền bù 25 ha đất. Luật sư Tuấn cho biết, trong phiên tòa trước, ông đã đề nghị tòa khởi tố vụ án xung quanh câu chuyện về chiếc giấy CNQSDD “ma” được cấp năm 2002 vì có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, phiên tòa đã hoãn với lý do củng cố thêm các chứng cứ.
Được biết, phiên tòa tới dự kiến sẽ được mở vào ngày 12/9, nhưng cách đây 2 hôm, người con gái của ông Xương gọi điện cho PV khóc lớn cho biết, bố mình đã không vượt qua được những cơn đau. Trước khi mất, ông trăn trối với mọi người rằng, luôn tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, và ông ủy quyền cho các con chờ ngày mọi việc được sáng tỏ, rồi khóc , nói rất day dứt rồi qua đời.
Những câu hỏi xung quanh chiếc sổ đỏ bí ẩn của được UBND huyện Mường La cấp cho Hội phụ lão bản Huổi Ban năm 2002, tại sao lại có chiếc sổ đỏ ấy? UBND huyện Mường La có thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi thu hồi và cấp GCNQSDD cho Hội phụ lão? Số tiền chăm sóc, bảo vệ rừng từ năm 2002 cho đến thời điểm gia đình ông Xương khởi kiện đã vào tay ai? Và số tiền đền bù thực tế theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất 25 ha mà gia đình ông Xương đang sử dụng cho đến ngày di dân tái định cư Thủy điện Sơn La có được giải ngân hay không?...
nguồn: Tamnhin.net.vn
Bình luận