(NĐ&ĐS) - Nhóm thanh niên khai nhận do có uống rượu và thiếu hiểu biết pháp luật nên đã rủ nhau mang hung khí tự chế lên cao tốc “chụp ảnh” rồi bột phát nảy sinh ý định chặn xe xin tiền. Trong sự việc này, chúng ta cũng cần phải đề cập đến vai trò cũng như trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Hai ngày nay, câu chuyện 11 thanh niên vác theo dao kiếm chặn các xe ô tô đi trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn trên cây cầu IC8) với mục đích xin tiền đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.
Nghiêm trọng hơn, các thanh niên này còn tự tường thuật trực tiếp (livestream) trên facebook cá nhân với những hình reo hò, ăn mừng, cười đùa và chào hỏi các facebook khác đang xem “truyền hình trực tiếp”.
Thậm chí, nhóm thanh niên còn tỏ thái độ thách thức, coi thường pháp luật khi có người nói sẽ thông báo cơ quan chức năng. Những hình ảnh cuối năm này thực sự khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Nhóm thanh niên cầm theo hung khí chặn một xe khách để xin tiền (Ảnh cắt từ clip)
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nhận định: Điểm nổi bật ở đây chính là việc nhóm thanh niên này quay clip và phát tán công khai hành vi vi phạm của mình trên mạng xã hội. Hành động đó không chỉ thách thức các cơ quan pháp luật mà nó còn cho thấy những dấu hiệu của sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ.
Ở đây, chúng ta cần lên án hiện tượng xã hội “là dân có số má” đang được một bộ phận thanh thiếu niên coi đó như biểu tượng của người hùng. Phải chăng, các thanh niên này đang cố tỏ ra là người hùng với nhận thức lệch lạc trên?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Hành động của nhóm thanh niên này không chỉ thách thức các cơ quan pháp luật mà nó còn cho thấy những dấu hiệu của sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ.
Theo ông Tuấn, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc quyết liệt và có những biện pháp thích đáng, không những chỉ răn đe trừng phạt mà còn kịp thời giáo dục, uốn nắn những nhận thức lệch lạc đó.
Đây thực sự là hồi chuông báo động để các đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên, phải phát huy hết vai trò nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền vận động, giáo dục thanh thiếu niên có cách nhìn, cách nghĩ và lối sống chuẩn mực.
Trên thực tế, thời gian qua, tình trạng lệch lạc về nhận thức ở lứa tuổi thanh thiếu niên xuất hiện ngày một nhiều và với mức độ nghiêm trọng. Những vụ đánh nhau, đâm chém nhau chỉ vì một ánh mắt, một câu nói bâng đùa,… không còn là hiếm. Phần lớn cả hung thủ lẫn nạn nhân trong các vụ việc này đều đang trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Trong câu chuyện này, chúng ta cũng cần phải đề cập đến vai trò và trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng như xã hội. Trách nhiệm đầu tiên chính là những người cha, người mẹ. Những hành vi ứng xử hàng ngày, hay nói tổng quát hơn là nhân cách của người cha, người mẹ là tấm gương phản chiếu, thấm dần vào ký ức con trẻ.
Giờ đây, nhóm thanh niên này đã, đang và sẽ phải trả giá cho những hành động dại dột của mình
Muốn giáo dục con cái tốt, bố mẹ phải sống tốt. Việc giáo dục đạo đức cho con cái từ thuở ấu thơ sẽ góp phần hình thành nên nhân cách sau này. Phân tích những điều đúng sai, sự phải trái ngay từ nhỏ thì khi lớn lên các em sống sẽ có suy nghĩ hơn, biết khiêm nhường, tôn trọng người khác và biết nhận ra cái sai của mình để sửa chữa.
Về phía nhà trường, vừa giáo dục, vừa tạo ra những sân chơi bổ ích, đối xử công bằng và có trách nhiệm với học sinh, tạo cho các em có một kỹ năng sống tốt. Điều này cần sự rèn luyện, đổi mới tư duy của các giáo viên để tạo ra môi trường giáo dục tốt, giúp các em học tập và trưởng thành.
Bên cạnh đó, cũng rất cần sự quan tâm giáo dục và quản lý sát sao của toàn xã hội. Trong thời buổi kinh tế thị trường, văn minh tinh thần chưa theo kịp với văn minh vật chất, mọi người đang còn choáng ngợp với nhiều điều mới lạ. Do đó, nếu như chúng ta không đấu tranh với những nhận thức lệch lạc trong lớp trẻ, không đưa các em vào những hoạt động lành mạnh và hữu ích cho xã hội thì những hệ lụy tương tự vẫn có thể xảy ra.
Quay trở lại nhóm thanh niên trên, giờ đây các em đã, đang và sẽ phải trả giá cho những hành động dại dột của mình. Chỉ một phút bồng bột, thiếu suy nghĩ mà cả tương lai của các em trở nên mịt mù.
Thiết nghĩ, giáo dục phải luôn luôn đi trước hình phạt, đó mới là điều mà chúng ta mong muốn. Hi vọng đây sẽ là một bài học để các bạn trẻ cùng nhìn nhận và tránh những phút bồng bột nhất thời.
Dấu hiệu “tội cướp tài sản”
Luật sư Bùi Đình Hiến, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đánh giá: Hành vi của nhóm thanh niên vác dao chặn xe, xin tiền trên cao tốc rất manh động và nguy hiểm. Hành vi đó đã đầy đủ yếu tố của “tội cướp tài sản” được quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Đáng lưu ý là đây là tội đặc biệt nghiêm trọng mà mức hình phạt cao nhất là tử hình và nhóm thanh niên này gồm toàn những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, đều dưới 20 tuổi.
Nguyễn Tuấn
Bình luận