Người dân gửi vàng vào các ngân hàng thương mại thì các ngân hàng thu phí, gửi USD thì lãi suất 0%… theo ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội là chưa phù hợp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm, cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng
Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực dự trữ trong dân (như vàng, USD…).
Những băn khoăn này của cử tri mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước hồi âm khá cặn kẽ.
Đã từng gây hệ lụy
Văn bản trả lời kiến nghị của cử tri nêu rõ, trong giai đoạn từ năm 2001 – 2008, các tổ chức tín dụng đã thực hiện huy động, cho vay vốn bằng vàng, trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng đã huy động được nguồn vốn nhất định đóng góp cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, từ năm 2008-2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động tăng, giảm mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008) khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo gây rủi ro lớn cho cả tổ chức tín dụng và người đi vay.
Việc tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này.
Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến năm 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản (bao gồm vàng) và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ này.
Kết quả, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi đó tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng.
Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm, cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013, các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân.
Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VND từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hàng năm quanh mức 16-20%, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.
Vẫn theo nhận xét cơ quan trả lời cử tri thì hiện nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định. Nhu cầu vàng miếng suy giảm, thị trường vàng miếng tự điều tiết. Thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng tự cân đối, hiện nay nhu cầu vàng nguyên liệu chủ yếu chỉ dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bản thân các doanh nghiệp đều chủ động mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu như giai đoạn trước đây (trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ khoảng 10-15 tấn).
Việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu để tận dụng nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, vì vậy, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước khái quát.
Hạn chế tình trạng đô la hoá
Hồi âm ý kiến của cử tri về việc gửi USD với lãi suất 0% và việc huy động nguồn lực USD, Ngân hàng Nhà nước trình bày, trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô la hóa của Việt Nam ở mức báo động cần kiểm soát. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007-2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 90 còn ở mức 30-40%.
Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh.
Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này đã là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô, cơ quan trả lời cử tri nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế đồng Việt Nam, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.
Từ sau khi áp dụng chính sách này, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017), hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tính đến cuối tháng 2/2018, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt gần 60 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, văn bản trả lời cử tri nêu con số đáng chú ý.
Theo Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối. Luồng vốn vào ổn định và có sự tăng trưởng khả quan qua các năm. Kiều hối trong năm 2017 đạt khoảng 9,84 tỷ USD, tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2016. Giải ngân vốn FDI và FII tiếp tục chiều hướng tích cực, trong đó FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD.
Hà Vũ
Theo Vneconomy