Tại phiên tòa sáng 23.6, trước những câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Hồ Phương Nga xin được giữ quyền im lặng. Vậy điều đó có đúng với quy định của pháp luật? Thái độ đó có bất lợi cho Phương Nga?
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) xung quanh vấn đề này.
Pháp luật có quy định cho phép bị can, bị cáo im lặng khi Hội đồng xét xử thẩm vấn không thưa luật sư?
Phương Nga trong phiên xét xử.
Pháp luật hình sự không quy định trực tiếp việc bị cáo có quyền im lặng. Tuy nhiên tại điểm c, Khoản 2, Điều 48, 49 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định “người bị tạm giữ, bị can có quyền trình bày lời khai”. Tức là, khai trình là một quyền chứ không phải nghĩa vụ.
Do đó người bị tạm giữ, bị can có thể không khai báo. Hay nói cách khác, họ có quyền im lặng. Mặt khác, Điều 10, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định “việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng”, do đó quyền im lặng cũng phù hợp với nguyên tắc này.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sắp tới có hiệu lực thi hành cũng quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các Điều 58 khoản 1 tiết e, Điều 59 khoản 2 tiết c, Điều 60 khoản 1 tiết d, Điều 61 khoản 2 tiết h.
Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Như vậy, tuy không trực tiếp ghi nhận quyền im lặng, nhưng từ những quy định nêu trên có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng. Và đây có thể được coi là một nội dung của quyền im lặng.
Vậy nếu Phương Nga là người có tội thì việc không trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử có làm cho Phương Nga thêm nặng tội?
Việc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vận động người bị buộc tội khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác là điều cần thiết. Tuy nhiên nếu không nhận được sự hợp tác tích cực của người bị buộc tội thì cũng không thể coi đó là tình tiết tăng nặng được.
Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không coi người bị buộc tội không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những vấn đề bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận tội là tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, việc nhận tội, khai báo thành khẩn, thái độ tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của bị can, bị cáo được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Phương Nga được biết đến là Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007.
Tại phiên tòa, Phương Nga cho rằng mình bị oan, và chứng cứ của vụ án là chứng cứ giả. Tuy nhiên HĐXX nói rằng, nếu cho rằng bị oan mà bị cáo không trình bày thì HĐXX làm sao mà biết được; và bị cáo phải chứng minh đó là chứng cứ giả. Đáp lại, Phương Nga cho rằng: mình không có nghĩa vụ chứng minh mình bị oan, cũng như chứng minh tội phạm mà nghĩa vụ đó thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Phương Nga trả lời như thế dưới góc nhìn pháp lý, luật sư đánh giá thế nào?
Câu trả lời của Phương Nga là đúng, nhưng áp dụng trong trường hợp này lại là sai lầm trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình. Cần phải hiểu rằng khai báo là quyền lợi chứ không phải là trách nhiệm. Như trên đã nói, bị cáo có quyền im lặng. Việc Phương Nga có tội hay không có tội là trách nhiệm chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng- Đó là quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu việc khai báo có lợi thì các bị can bị cáo cần phải khai thác triệt để.
Tuy nhiên không nên sử dụng quyền in lặng một cách cực đoan. Như thế sẽ bất lợi cho chính bản thân mình- Đó là sai lầm.
Điều 50, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định bị cáo có quyền: tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;…Phương Nga cho mình bị oan, sao không sử dụng cái quyền đó đưa ra những căn cứ để khẳng định mình bị oan; cho rằng đó là chứng cứ giả sao không sử dụng quyền đó phản biện lại để khẳng định đó là chứng cứ giả…Hơn nữa HĐXX nói cho rằng: bị cáo phải chứng minh đó là chứng cứ giả, thì Phương Nga lại trả lời lạc đề rằng: Bị cáo không phải có nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Việc bị cáo Phương Nga im lặng như trên là đã tự tước bỏ đi cái quyền mà pháp luật dành cho mình.
Cảm ơn luật sư!
Tổng đài tư vấn Pháp luật – – Công ty TNHH Đại Nam