(Dân Việt) Hành động nam thanh niên dí điện hành hạ bé trai phát tán trên mạng xã hội đã gây phẫn nộ trong dư luận. Dưới góc độ pháp lý, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao đã được luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật Đại Nam phân tích trả lời qua cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt chiều này (7.12).
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.
Thưa luật sư, những hành vi mà nam thanh niên hành hạ đứa trẻ được ghi lại trong Clip phạm tội gì? Xử lý ra sao?
Theo quy định tại Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em thì việc:
“…6. Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;…” là hành vi bị nghiêm cấm.
Tùy theo tính, chất mức độ của hành vi phạm thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP thì: Người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Tuy nhiên hành vi của nam thanh niên đối với đứa trẻ trong clip là rất dã man thì không thể xử phạt hành chính mà cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì thanh niên đó sẽ bị truy cứu về tội gì, mức hình phạt ra sao?
Theo tôi hành vi của thanh niên trong clip đủ yếu tố cấu thành “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 104, Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
…d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;”
Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 110 Bộ Luật Hình sự về “tội hành hạ người khác. Điều luật này nêu rõ:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;..”
Đặc biệt, trong clip trên, người đàn ông đã sử dụng dùi cui điện, là một loại công cụ hỗ trợ, mà theo quy định chỉ những đối tượng mà được Cơ quan nhà nước cho phép mới được sử dụng, quản lý như: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ, Trường, Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động…. ( Điều 19 Nghị định 25/2012/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ)
Theo quy định tại Điều 5, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Các hành vi bị nghiêm cấm:
“..2. Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
3. Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.”
Như vậy, người thanh niên này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “ tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù đến 5 năm.
Em bé chỉ biết giãy giụa trên mặt đất khi người đàn ông trong clip dùng nhiều cách hành hạ em.
Nhưng theo thông tin trên báo chi nơi diễn ra cảnh bạo hành của thanh niên đó lại xảy ra trên lãnh thổ Cămpuchia? Vậy có xử lý được theo luật Việt Nam?
Về nguyên tắc hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên lãnh thổ nước nào thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật nước đó. Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Bộ luật Hình sự thì “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này”.
Theo quy định tại Điều 2, Hiệp định dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương Quốc Cămpuchia ngày 23.12.2013 thì Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu chính phủ Cămpuchia dẫn độ nam thanh niên trong clip có hành vi bạo hành đối với những đứa trẻ về Việt Nam để xử lý theo pháp luật hình sự Việt Nam.