LUẬT SƯ PHÂN TÍCH PHÁP LÝ VỤ TƯỚNG CÔNG AN CÓ CON NGOÀI GIÁ THÚ

(Dân Việt) Thông tin Thiếu tướng N.V.O – nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang dù đã có gia đình, nhưng vẫn có con chung với phụ nữ khác, thậm chí đứng tên cha trên giấy khai sinh của cháu bé đang khiến dư luận hết sức quan tâm.

Dân Việt đã trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Hà Nội) để làm rõ vấn đề pháp lý trong sự việc này.

Thưa luật sư, việc ông O khi đang là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, đã có gia đình mà vẫn có con ngoài giá thú vi phạm pháp luật như thế nào?

– Từ thông tin mà báo chí phản ánh cho thấy, hành vi của ông O không những ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn vi phạm những điều đảng viên không được làm theo quy định của Đảng; vi phạm quy chế đạo đức của ngành công an.

Đặc biệt, khi đó, với cương vị là người đứng đầu ngành công an của một tỉnh, những vi phạm của ông O càng có tác động xấu hơn, rộng hơn. Bên cạnh đó, hành vi trên đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; có thể cấu thành tội phạm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

 luat su phan tich phap ly vu tuong cong an co con ngoai gia thu hinh anh 1

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Hà Nội).

Theo như phản ánh trên Dân Việt, ông O có con chung với bà Trinh là một trong những căn cứ để chứng minh ông O chung sống như vợ chồng với bà Trinh, điều này vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Hành vi của ông O phải bị xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền; xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 147, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Điều luật này nêu rõ: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.

Vi phạm của ông O diễn ra cách đây đã lâu, vậy vi phạm đó hiện nay có thể xử lý được nữa không?

– Ở đây tôi chỉ bàn đến góc độ xử lý theo quy định của pháp luật, còn xử lý về mặt Đảng sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng xem xét. Đối với pháp luật, có xử lý hay không, xử lý thế nào, xử phạt hành chính hay xử lý hình sự phải căn cứ vào nhiều yếu tố.

Ví dụ, từ việc ông O có con chung với bà Trinh, rồi mới đây ông O về sống chung với bà Trinh, có thể đặt ra giả thiết thôi, từ chuyện đó khiến cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn hoặc những những hậu quả khác nghiêm trọng hơn thì ông O sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng…

Việc ông O có con chung với bà Trinh có nhiều người biết. Trong khi chúng ta có đầy đủ thiết chế từ Chi bộ Đảng, Ban Kiểm tra, Thanh tra…, nhưng theo ông vì sao vụ việc không bị xử lý?

– Tôi không hiểu cơ quan, tổ chức do không biết hay cố tình không biết, điều này nếu chưa có kiểm tra thì không thể khẳng định được. Tuy nhiên, đứng về góc độ xã hội, việc này cũng có thể dễ hiểu vì lúc ông O có con chung với bà Trinh, ông đang đương chức Giám đốc Công an tỉnh… Đây là bài học trong công tác tổ chức cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước phải nghiên cứu có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ, phát huy được tinh thần đấu tranh. Mặt khác cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần phải nghiêm trị hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Chế tài xử lý hành vi vi phạm này hiện nay không thiếu, từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự đều có. Nhưng trên thực tế rất ít vụ việc bị xử phạt hành chính; xử lý hình sự lại càng ít. Đó cũng là điểm yếu cần phải khắc phục.

Cảm ơn luật sư!

Theo quy định tại điểm 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Viện KSND Tối cao thì “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”.

Còn theo khoản 1, điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013, người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Bài viết liên quan