Vụ xe cấp cứu gây tai nạn bỏ chạy dưới góc nhìn luật sư

Sau khi gây tai nạn, chiếc xe cấp cứu đã bỏ đi khỏi hiện trường khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, nếu lúc đó trên xe đang chở một bệnh nhân cần cấp cứu khẩn cấp thì tài xế có được rời đi?

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư có ý kiến thế nào về tình huống trên? Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội) xung quanh vụ việc này.

Khi lái xe gây tai nạn, theo quy định của pháp luật thì họ phải làm gì, thưa luật sư?

Điều 38, Luật giao thông đường bộ quy định rất rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

Theo đó:

– Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cưúhoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

                                Vu xe cap cuu gay tai nan bo chay duoi goc nhin luat su - Anh 1

Nhân viên y tế đến hiện trường sơ cứu cô gái gặp nạn. Ảnh Infonet

– Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

Theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 22, Luật giao thông đường bộ thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe được quyền ưu tiên. Do đó nếu xe cấp cứu đang chở người đi cấp cứu khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn thì không bắt buộc phải chở người bị nạn đi cấp cứu. Như vậy nếu xe cứu thương đang chở người đi cấp cứu mà đi qua nơi xảy ra tai nạn thì không bắt buộc chở người bị nạn đi cấp cứu. Nhưng ở đây, chính xe này lại là xe gây tai nạn, nên tài xế phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo những quy định nêu trên.

Việc tài xế sau khi gây tai nạn, khi thấy người đến rồi bất ngờ lái xe bỏ chạy là vi phạm pháp luật.

Nhưng pháp luật cũng cho phép lái xe rời khỏi hiện trường trong một số trường hợp. Việc tài xế lái xe bỏ đi có thuộc những trường hợp đó?

Theo thông tin, tài xế đã đến CQCA trình diện do đó việc anh ta bỏ đi không phải là hành vi bỏ trốn. Tuy nhiên, căn cứ điều luật nêu trên, lái xe gây tai nạn chỉ được rời khỏi hiện trường trong 3 trường hợp:

– Lái xe bị thương phải đưa đi cấp cứu

– Lái xe phải đưa người bị nạn đi cấp cứu

– Hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

Cũng phải lưu ý rằng, anh được rời khỏi hiện trường trong các trường hợp nêu trên nhưng phải giữ nguyên hiện trường. Từ những thông tin báo chí phản ánh cho thấy tài xế lái xe cứu thương gây tai nạn đều không rơi vào các trường hợp trên; hơn nữa anh lại còn lái xe ra khỏi hiện trường lại càng không được. Đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu trên xe đang chở bệnh nhân đi cấp cứu thì việc lái xe bỏ người bị nạn mà chở bệnh nhân đi cấp cứu có đúng không?

Như tôi đã nói trên, về nguyên tắc người bị nạn phải được cấp cứu kịp thời. Và lái xe gây tai nạn chỉ được rời khỏi hiện trường trong những trường hợp nêu trên. Tuy nhiên trong trường hợp như câu hỏi của bạn, theo tôi việc ứng xử thế nào vừa đúng luật, vừa mang lại hiệu quả tích cực trong việc cấp cứu bệnh nhân và người bị nạn còn tùy thuộc vào tình hình thực tế tại hiện trường tai nạn và tình trạng của người bị nạn và bệnh nhân đang chở đi cấp cứu.

Ví dụ trên xe đang chở người trong tình trạng hấp hối nếu không đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời sẽ tử vong; mà người bị tai nạn thì cũng trong tình thế rất nguy hiểm đến tính mạng nếu xử lý không linh hoạt thì có khi cả hai người cùng chết. Lúc đó, cần phải đưa ngay người bị nạn lên xe đưa đi cấp cứu cùng với bệnh nhân (bởi thông thường trên xe cấp cứu bao giờ cũng có người nhà bệnh nhân đi theo. Hãy bảo họ nhường chỗ cho người bị nạn).

Nếu xe không có khả năng chở thêm nạn nhân thì phải nhờ người xung quanh giúp đỡ và báo ngay cho cấp cứu 115, cơ quan công an, nói rõ thông tin cá nhân của mình rồi mới được chở người đi cấp cứu. Tóm lại, cần phải xử lý linh hoạt để thực hiện được mục tiêu cao nhất là kịp thời cấp cứu người bị nạn và bệnh nhân.

Tuy nhiên tôi xin nhắc lại là dù linh hoạt thế nào cũng phải đảm bảo chắc chắn rằng nạn nhân sẽ được đưa đi cấp cứu kịp thời, lái xe gây tai nạn phải cung cấp thông tin chính xác, trung thực về nhân thân của mình cho cơ quan công an. Không thực hiện những điều đó là vi phạm pháp luật.

Theo tôi, nếu việc lái xe bỏ đi không thuộc 1 trong 3 trường hợp nêu trên thì đó là hành vi rất thiếu đạo đức, cần phải lên án. Nếu không may nạn nhân tử vong thì cần phải khởi tố lái xe về “tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999.

Cảm ơn luật sư!

Bài viết liên quan