Tư vấn quyền thừa kế đối con riêng và người “vợ hai” chung sống như vợ chồng?
Hỏi: Bố mẹ tôi kết hôn hợp pháp nhưng do bố mẹ tôi xảy ra mâu thuẫn, nên đã ly thân từ lâu. Bố tôi có chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác và có một con. Họ sống trên mảnh đất của ông nội tôi để lại. Nay bố tôi đã mất không để lại di chúc. Vậy tôi hỏi: Người con riêng và người phụ nữ kia có được hưởng di sản mà bố tôi để lại không? Xin cảm ơn.
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa theo thông tin mà bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Về nguyên tắc, một người để lại di sản không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không có hiệu lực thì di sản của người đó sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, Điều 650 BLDS 2015 quy định về những người có quyền thừa kế theo pháp luật:“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; ….”
Theo như thông tin bạn cung cấp, thì bố mẹ bạn là hôn nhân hợp, chưa ly hôn; nhưng bố bạn sau đó lại chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác – “vợ hai”, và có với nhau một con riêng. Theo đó, quyền thừa kế của người con riêng và vợ hai được pháp luật quy định như sau:
- Quyền thừa kế đối với người con riêng:
Mặc dù người con riêng không được sinh ra bởi cuộc hôn nhân hợp pháp, nhưng về bản chất thì họ vẫn là con đẻ của bố bạn. Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con: “..2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự.”
Như vậy, người con riêng có quyền lợi ngang hàng với những người con của bố bạn với mẹ bạn trong việc hưởng quyền thừa kế.
- Quyền thừa kế đối với người “vợ hai”:
Việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là trái quy định của pháp luật và không được công nhận. Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vớ chồn mà không đăng ký kết hôn: “1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng…”
Vì không làm phát sinh nghĩa vụ giữa vợ và chồng giữa bố bạn và người vợ hai, nên người “vợ hai” không có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản mà bố bạn để lại.
Tuy nhiên, về vấn đề giải quyết tài sản, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập….”
Căn cứ vào khoảng thời gian chung sống như vợ chồng của bố bạn, thì người “vợ hai” có quyền xác định công sức giữ gìn, bảo quản, tôn tạo hoặc làm gia tăng giá trị tài sản trong khối tài sản mà bố bạn để lại (nếu có). Trường hợp này, những người có quyền thừa kế tài sản của bố bạn có thể thỏa thuận với người “vợ hai” trong việc xác định phần công sức của họ. Trong trường hợp hai bên không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Nếu còn bất kỳ thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài – của Công ty Luật TNHH Đại Nam để được giải đáp cụ thể hơn.
Chuyên viên Nguyễn Thị Tuyền