Hỏi: Bố mẹ tôi có tài sản chung là một mảnh đất và một ngôi nhà. Bố tôi có làm một di chúc viết tay rằng khi Ông chết, tài sản sẽ để lại cho hai anh em tôi và mẹ. Nay, Bố tôi ốm nặng, không biết có qua khỏi hay không. Tôi muốn hỏi rằng nếu Bố tôi chết thì hai anh em tôi và mẹ có được hưởng di sản theo di chúc trên hay không(di chúc này chưa được công chứng, chứng thực) và di sản bố tôi để lại có phải chia cho người con riêng của Bố tôi nữa không? (Bố tôi có một người con riêng với người vợ trước đã ly hôn).
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Tổng đài tư vấn pháp luật – của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa theo thông tin mà bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Chương XXII BLDS năm 2015, một di chúc được coi là hợp pháp nếu đảm bảo đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, về chủ thể: người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép.
Thứ hai, về nội dung: nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Nội dung của di chúc bằng văn bản phải ghi rõ:
“a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.” ( Điều 631 BLDS năm 2015)
Thứ ba, về hình thức của Di chúc: Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc: di chúc phải được lập thành văn bản. Nếu không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Đối với trường hợp của Bạn, di chúc Bố bạn tự viết tay, không có người làm chứng và cũng chưa được công chứng, chứng thực thì phải đảm bảo thêm các điều kiện sau:
- Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc( Điều 633 BLDS năm 2015)
· Tại khoản 4 điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này“. (đó là Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.)
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu Di chúc do bố bạn tự viết tay để lại, không có người làm chứng, không được công chứng, chứng thực nhưng được lập trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội và đảm bảo đủ các nội dung theo điều 631 BLDS 2015 thì di chúc đó được coi là hợp pháp và anh em bạn, mẹ bạn đương nhiên sẽ được hưởng phần di sản mà bố bạn để lại.
Còn về việc người con riêng của Bố bạn có được hưởng di sản thừa kế hay không thì chúng tôi xin trả lời như sau: Vì bạn cung cấp thông tin chưa được rõ ràng nên sẽ chia làm hai trường hợp:
Trường hợp 1: Nếu người con riêng của Bố bạn đã đủ tuổi thành niên có khả năng lao động (không thuộc trường hợp là những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 BLDS 2015) thì phần di sản của Bố bạn sẽ được chia hoàn toàn theo di chúc là cho hai anh em bạn và mẹ bạn.
Trường hợp 2: Người con riêng của Bố bạn chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế. Do vậy, phần di sản của Bố bạn để lại phải chia thêm cho người con riêng của Bố bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Đại Nam, Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc của mình. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến sự việc Bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn Pháp luật trực tuyến của chúng tôi – để được giải đáp cụ thể hơn.
Trân trọng./.
Chuyên viên Lâm Thị Trâm Anh