Hỏi: Luật sư cho tôi hỏi về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, tôi đang kinh doanh một siêu thị có diện tích 5000m2. Vậy tôi có thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không? Các đối tượng tài sản phải tham gia bảo hiểm gồm những đối tượng nào? Tôi cảm ơn luật sư đã tư vấn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Đại Nam. Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp và đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, Phòng tư vấn –Tổng đài 024.32232546 thuộc Công ty Luật Đại Nam xin tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy cháy nổ bắt buộc thì các trường hợp phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là:
“Điều 3: Nguyên tắc tham gia bảo hiểm cháy, nổ
1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này (sau đây gọi là “bên mua bảo hiểm”) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.”
” Điều 2: Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).”
Theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ- CP:
“5. Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên”
Vậy siêu thị bạn đang kinh doanh có diện tích 5000m2 thuộc trường hợp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Về các đối tượng phải đóng bảo hiểm, được quy định tại điều 4, Nghị định 23/2018/NĐ- CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, quy định như sau:
“Điều 4: Đối tượng bảo hiểm
1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:
a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Đại Nam. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn 024.32232546 để được giải đáp cụ thể hơn.
Chuyên viên Nguyễn Thị Vinh