BÍ THƯ TỈNH ỦY CÓ THUỘC ĐỐI TƯỢNG CẢNH VỆ ?

Sau vụ án Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh này. Câu hỏi được đặt ra là ai thuộc đối tượng cảnh vệ ? PV NTNN có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh có thuộc đối tượng cảnh vệ không, thưa luật sư ?

   – Đối tượng cảnh vệ được quy định tại Pháp lệnh số 25/2005/PL/UBTVQH11 ngày 2/4/2005. Theo khoản 1 Điều 10 của Pháp lệnh này thì đối tượng cảnh vệ là Cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội;Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, theo quy định trên thì Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh không thuộc đối tượng cảnh vệ.

Người thuộc đối tượng cảnh vệ nêu trên sẽ được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ thế nào, thưa luật sư ?

   – Tùy theo chức vụ mà áp dụng biện pháp và chế độ cảnh vệ khác nhau. Ví dụ đối với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội;Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ áp dụng biện pháp và chế độ cảnh vệ : Bảo vệ tiếp cận thường xuyên, vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên nơi ở và nơi làm việc, các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

Vậy đối với nơi làm việc của cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh, huyện thì quy định việc bảo vệ ra sao, thưa luật sư ?

   – Nơi làm việc của cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh, huyện (Trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện) thì công tác bảo vệ được quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ. Công tác bảo vệ ở đây do lực lượng bảo vệ đảm nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ được quy định tại Điều 10 Nghị định này. Trong đó có nhiệm vụ trực tiếp kiểm soát người ra vào cơ quan , được quyền kiểm tra giấy tờ, hàng hóa, phương tiện ra vào cơ quan nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy của cơ quan.

Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh thuộc cơ chế bảo vệ nào, thưa luật sư ?

   – Đây thực sự là một vướng mắc. Mặc dù pháp luật cho phép bảo vệ có quyền kiểm tra, kiểm soát người ra vào cơ quan, kiểm tra giấy tờ, hàng hóa, phương tiện ra vào cơ quan nếu có dấu hiệu nghi vấn, nhưng trên thực tế việc này rất khó. Không phải lúc nào cũng phát hiện ra “dấu hiệu nghi vấn” để mà kiểm tra. Và bảo vệ cũng không phải là vệ sĩ riêng của Chủ tịch, Bí thư mà bảo vệ 24/24 giờ được.

(Theo NTNN – Lê Chiên thực hiện).

Bài viết liên quan