BUÔN BÁN THUỐC THÚ Y PHẢI CÓ ĐIỀU KIỆN GÌ?

Ngày 19/6/2015, Quốc hội đã ban hành Luật Thú y thay thế Pháp lệnh Thú y. Và ngày 15/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y. Hai văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Liên quan đến những quy định trên, vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm nhất hiện nay là quy định về buôn bán thuốc thú y. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) xung quanh vấn đề này.

Theo quy định tại Luật Thú y thì người buôn bán thuốc thú y phải có điều kiện gì?

Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải tuân theo quy định tại Điều 92 của Luật Thú y, đó là:

1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

2. Có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp.

3. Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y;

4. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, và phải đáp ứng các điều kiện:

– Có địa điểm kinh doanh cố định và biển hiệu.

– Có tủ, kệ, giá để chứa đựng các loại thuốc phù hợp.

– Có trang thiết bị bảo đảm Điều kiện bảo quản thuốc theo quy định.

– Có sổ sách, hóa đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng.  

Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh để bảo quản theo Điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; có nhiệt kế để kiểm tra Điều kiện bảo quản. Có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin. Người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để một tổ chức, cá nhân được buôn bán thuốc thú y là phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y”. Vậy để có được “Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y”, tổ chức, cá nhân cần phải làm những thủ tục gì? Cơ quan nào giải quyết?

Để được cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y” thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải làm hồ sơ. Hồ sơ gồm có: Đơn đăng ký; Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Chứng chỉ hành nghề thú y.

Sau khi hoàn chỉnh thì nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh kiểm tra điều kiện của cơ sở buôn bán thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Hai vấn đề các bạn cần lưu ý:

  1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện, buôn bán thuốc thú y chỉ có giá trị trong thời hạn 5 năm. Bởi vậy trước 3 tháng tính đến ngày hết hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục buôn bán thuốc thú y phải nộp đơn đăng ký gia hạn giấy chứng nhận.
  2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y có thể bị cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thu hồi trong những trường hợp sau:
  1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung.
  2. Vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ ba lần trở lên trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính ba lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực buôn bán thuốc thú y.
  3. Không còn hoạt động buôn bán thuốc thú y.
  4. Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Khi đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y thì tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải có trách nhiệm thế nào?

Pháp luật nghiêm cấm buôn bán thuốc thú y giả, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y kém chất lượng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y có nghĩa vụ:

– Bán đúng loại thuốc thú y theo đơn đối với thuốc thú y phải kê đơn hoặc theo yêu cầu của người mua với thuốc thú y không phải kê đơn.

– Niêm yết giá bán, bán đúng giá niêm yết và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc thú y.

– Tuân thủ điều kiện bảo quản thuốc thú y ghi trên nhãn và hướng dẫn sử dụng thuốc thú y cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc thú y.

– Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở mình gây ra theo quy định của pháp luật.

– Khi phát hiện thuốc thú y của cơ sở buôn bán của mình không bảo đảm các yêu cầu theo quy định thì có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc thú y để thu hồi ngay toàn bộ thuốc thú y đó đang lưu hành trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc thú y đã bán ra.

Thuốc thú y là hàng hóa đặc biệt, vậy pháp luật quy định thế nào về việc sử dụng thuốc thú y để không những phát huy được tác dụng phòng, chữa bệnh cho vật nuôi mà còn ngăn ngừa hậu quả xấu tác động đến sức khỏe con người và môi trường?

Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều 15 của Luật Thú y.

Để sử dụng có hiệu quả thuốc thú y thì pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y phải có nghĩa vụ sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn thuốc của cá nhân hành nghề thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Khi phát hiện thuốc thú y gây hại cho động vật, môi trường và sức khỏe con người thì ngừng sử dụng thuốc và báo cáo ngay Ủy ban Nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

Người mua thuốc thú y, phải yêu cầu người bán thuốc cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc đó; nếu bị thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc thú y thì sẽ được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Người buôn bán thuốc thú y có hành vi vi phạm thì bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm, người buôn bán thuốc thú y có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính: Hiện nay việc xử lý hành chính chưa có quy định mới, nên người có hành vi vi phạm trong việc buôn bán thuốc thú y sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2013/ NĐ-CP ngày 9 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ. Mỗi hành vi vi phạm sẽ có chế tài xử phạt tương ứng. Ví dụ: Phạt tiền từ 3 triệu đồng – 4 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kinh doanh thuốc thú y không có giấy

chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; kinh doanh thuốc thú y chung với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng cho người, lương thực, thực phẩm… Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y: Có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép so với hàm lượng ghi trên nhãn mà nhà sản xuất đã công bố hoặc đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… mức xử phạt cao nhất là 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y chứa hoạt chất cấm sử dụng trong Danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam.

Về xử  hình sự: Bắt đầu từ 1/7/2016 sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015: Nếu buôn bán thuốc thú y giả thì sẽ bị truy cứu về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” theo quy định tại Điều 195; hoặc bị xử lý về “tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 nếu thuốc thú y đó Nhà nước cấm kinh doanh…

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)

Bài viết liên quan