Có hay không việc tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm?
Xin chào Công ty Luật Đại Nam, Công ty cho tôi hỏi: em trai tôi 25 tuổi và người bạn tên là B rủ nhau đi trộm xe máy và cùng nhau chuẩn bị đồ đạc để đi trộm. Em trai tôi đứng canh để B phá khóa xe máy, nhưng thấy người lạ em trai tôi đã bỏ chạy. Sau khi B phá được khóa, đã dắt xe máy đi giấu nhưng 2 ngày sau đã bị bắt giữ. Vậy trường hợp của em tôi có được tính là tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội không?
Trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Tổng đài tư vấn pháp luật – của Công ty Luật Đại Nam. Sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn, Công Ty Luật Đại Nam tư vấn cụ thể như sau:
Đồng phạm được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi năm 2009
Tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội quy định tại Điều 19 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi năm 2009: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”
Điều kiện khách quan để thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Điều kiện này đòi hỏi người phạm tội đang còn điều kiện thực hiện tội phạm như công cụ, phương tiện phạm tội có hiệu nghiệm, người phạm tội không bị phát hiện hoặc điều kiện thuận lợi khác để thực hiện tội phạm trót lọt. Việc chấm dứt tội phạm phải xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành.
Chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn 2 dấu hiệu sau:
– Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.
– Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát.
Xét điều kiện đầu tiên,việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt, chưa hoàn thành. Vì khi tội phạm ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành thì cũng có nghĩa người phạm tội đã thực hiện hết những hành vi mong muốn mà do vậy không thể tự ý dừng lại chấm dứt thực hiện tội phạm. Tại thời điểm chưa đạt đã hoàn thành, hậu quả của tội phạm tuy chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra mà không cần người phạm tội phải có hành vi gì tiếp nữa (theo ý thức chủ quan của chủ thể), việc chủ thể chỉ dừng lại không thực hiện tiếp rõ ràng không ngăn chặn được việc quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.
- Trong trường hợp này, em trai bạn đang canh ở ngoài thấy có người lại gần, sợ bị phát hiện bắt giữ nên bỏ chạy đi trước. Trở ngại khách quan khi có người lại gần đã làm cho em trai bạn không thể tiếp tục đứng canh do sợ bị lộ. Tuy nhiên, B vẫn thực hiện xong hành vi trộm cắp xe máy.
Về điều kiện thứ 2, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, đòi hỏi chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm phải hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Theo như sự việc, việc có người lại gần là một trở ngại khách quan khiến cho em trai bạn phải bỏ dở việc đứng canh. Việc bỏ chạy là việc không mong muốn, nằm ngoài dự tính và khi dừng việc phạm tội lại, chính trở ngại khách quan trên là nguyên nhân khiến cho em trai bạn không thể thực hiện tiếp tội phạm.
- Như vậy việc chấm dứt việc phạm tội của em trai bạn tuy có dứt khoát nhưng không tự nguyện.
Mặt khác, em trai của bạn và B đều đủ năng lực trách nhiệm hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Từ những căn cứ trên, Hành vi của em trai bạn không thỏa mãn hết các điều kiện của trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì vậy, căn cứ vào Điều 19 BLHS thì em trai bạn không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Trên đây là phần tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Nam, nếu như còn vấn đề nào vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin bạn vui lòng liên hệ Bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: – để được giải đáp cụ thể hơn. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác của bạn!
Trân trọng./
Chuyên viên Hoàng Mạnh Tuấn