Không phải bất kì trường hợp nào CSGT cũng được phép hóa trang

(Công lý) – Các chuyên gia pháp lý cho rằng không phải bất kì trường hợp nào lực lượng CSGT cũng được phép hóa trang. Việc CSGT mặc thường phục chỉ thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lập nhiều tổ công tác mặc thường phục để bắt lỗi người vi phạm

Không phải bất kì trường hợp nào CSGT cũng được phép hóa trang

Không phải bất kì trường hợp nào CSGT cũng được phép hóa trang

Mới đây, lực lượng CSGT Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã lập nhiều tổ công tác hóa trang, mặc thường phục phối hợp với các lực lượng công khai để tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Được biết, việc lập các tổ tuần tra hóa trang, mặc thường phục làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông được thực hiện theo Thông tư 01 của Bộ Công an và kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An.

Theo kế hoạch 212, khi phát hiện người điều khiển xe vi phạm luật giao thông, cán bộ mặc thường phục yêu cầu về chốt cảnh sát giao thông để lập biên bản, xử lý. Nhiệm vụ này cũng được duy trì 24/24 giờ đối với tất cả các ngày trong tuần nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, gương chiếu hậu trên đường để ngăn chặn, xử lý.

Đại diện Công an TP Vinh (Nghệ An) cho biết việc triển khai lực lượng mặc thường phục kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo đúng tinh thần Thông tư 01/2016 của Bộ Công an và kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An. Đối với những trường hợp khi phát hiện người tham gia giao thông vi phạm sẽ phải trình thẻ ngành và đưa về chốt Công an hoặc trụ sở Công an để xử lý vi phạm chứ không xử phạt tại chỗ.

Được phép nhưng dễ nảy sinh tiêu cực

Không phải bất kì trường hợp nào CSGT cũng được phép hóa trang

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý về việc CSGT hóa trang “bắt” người vi phạm giao thông, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, (Công ty luật Đại Nam, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc Công an TP Vinh lập tổ tuần tra cải trang, cho phép CSGT mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm  theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an là được phép.  Tuy nhiên việc ứng xử như thế nào cho đúng, cho hiệu quả để đạt được tiêu chí, mục đích và nhiệm vụ chức năng của CSGT là vấn đề cần phải xem xét.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn phân tích, thứ nhất, các lỗi vi phạm giao thông bộc lộ hiển hiện nên không cần phải dùng các nghiệp vụ “ngụy trang”, “mật phục“ mới phát hiện được.

Thứ hai, nhiệm vụ chính của CSGT là tuyên truyền, hướng dẫn giao thông. Biện pháp xử phạt chỉ áp dụng khi thật cần thiết nhằm mang tính răn đe. CSGT Nghệ An nên ưu tiên quan tâm đầu tư lực lượng vào việc chính này.

Thứ ba, việc CSGT mặc thường phục dù có kết hợp với lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ dễ nảy sinh những tiêu cực, càng khiến dư luận bức xúc, càng làm giảm đi hình ảnh CSGT trong công chúng.

“Việc cho phép CSGT mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm chưa cần thiết, thậm chí còn gây nhiều phản ứng tiêu cực khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú, (Trưởng VPLS Trương Anh Tú, đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, không phải bất kì trường hợp nào lực lượng CSGT cũng được phép hóa trang. Việc CSGT được mặc thường phục chỉ được thực hiện trong một số trường hợp Trưởng phòng CSGT hoặcTrưởng Công an từ cấp huyện trở lên có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai. Tức là kết hợp với Cảnh sát giao thông mặc sắc phục đúng theo quy định chứ không được hoạt động độc lập, riêng rẽ.

Luật sư Tú nêu quan điểm, theo quy định tại Thông tư 01 của Bộ Công an thì Cảnh sát mặc thường phục chỉ được giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách hợp lý để luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật và nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

“Như vậy, CSGT mặc thường phục không có thẩm quyền được dừng xe và xử lý vi phạm, mà chỉ có lực lượng Cảnh sát tuần tra, kiểm soát công khai mới được dừng xe của người vi phạm và xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật”, ông Tú nói.

Ngoài ra, luật sư Tú chia sẻ, việc CSGT “hóa trang” để xử lý người vi phạm như cách làm của Công an thành phố Vinh cũng là một kẽ hở để cho kẻ xấu lợi dụng, giả dạng Công an nhằm thu lợi bất chính và dễ nảy sinh tiêu cực khiến cho dư luận bức xúc.  

Xử nghiêm CSGT hóa trang lạm quyền

Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết CSGT hoá trang không được ra đường chặn phương tiện vi phạm mà phải phối hợp với lực lượng công khai đi cùng. Theo quy định của ngành thì CSGT được hoá trang theo kế hoạch nhất định nhưng phải thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

 “Điều 9. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.

Bài viết liên quan