Ngày 23. 10. 2017, EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác trên biển của Việt Nam, việc này đã gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả này là tình trạng khai thác bất hợp pháp. Bên cạnh đó do những hành vi vi phạm pháp luật trong việc đánh bắt đã khiến cho nguồn tài nguyên trên biển bị cạn kiệt. Vậy Luật thủy sản 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019) có khắc phục được những vấn đề này? Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam). Theo luật sư Tuấn thì:
Luật Thủy sản 2017 có rất nhiều quy định mới nhằm đáp ứng tình hình kinh tế xã hội và thị trường hiện nay, đặc biệt trong trong bối cảnh thủy sản Việt Nam đang chịu thẻ vàng từ thị trường châu Âu. Những điểm mới đó là: quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nuôi thủy sản bằng lồng bè phải đăng ký với cơ quan nhà nước cấp tỉnh về thủy sản; quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác. …Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập chủ yếu những quy định liên quan đến khai thác thủy sản.
Như vậy muốn khai thác thủy sản trên biển thì trước tiên phải được cấp hạn ngạch khai thác, thưa ông?
Đúng như thế! Căn cứ quy định tại các Điều 49 của Luật thủy sản 2017 thì tổ chức, cá nhân muốn khai thác thủy sản trên biển thì trước tiên phải được cơ quan có thẩm quyền cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển – Đây là bước tiến mới so với Luật thủy sản năm 2003 để nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Căn cứ xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển được quy định tại khoản 1, Điều 49 của Luật thủy sản. Bao gồm:
- a) Kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản;
- b) Xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản;
- c) Tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững;
- d) Cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác;
đ) Trường hợp khai thác loài thủy sản di cư xa hoặc loài thủy sản có tập tính theo đàn phải căn cứ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và sản lượng cho phép khai thác theo loài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định loài được quy định tại điểm này.
Vậy cơ quan nào có thẩm quyền cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển?
Thẩm quyền cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển được quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 49 của Luật thủy sản.
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1 nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.
Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.
Để được khai thác thủy sản trên biển, bên cạnh việc phải được cơ quan có thẩm quyền cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển thì phải cần có điều kiện gì nữa, thưa luật sư?
Căn cứ Khoản 1, Điều 50, Luật thủy sản thì: Bên cạnh việc phải được cơ quan có thẩm quyền cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển thì tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản. Tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để được cấp Giấy phép khai thác thủy sản là gì?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 50, Luật thủy sản, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên được cấp Giấy phép khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;
- b) Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;
- c) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;
- d) Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
đ) Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định của Chính phủ;
- e) Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
- g) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- h) Trường hợp cấp lại do giấy phép hết hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản này, đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.
Khi khai thác thủy sản, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ gì?
Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2, Điều 52 Luật thủy sản như: Thực hiện các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản, duy trì điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này (nêu ở trên); thực hiện quy định về bảo đảm an toàn cho người, tàu cá và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai; phải cứu nạn khi gặp người, tàu bị nạn;…
Hành vi nào được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp?
Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp quy định tại Khoản 1, Điều 60, Luật thủy sản, bao gồm:
– Khai thác thủy sản không có giấy phép;
– Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
– Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
– Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
– Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
– Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
– Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
– Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
– Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
– Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
– Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
– Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
– Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
– Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
* Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định nêu trên thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)