Trách nhiệm của người gây ra tai nạn giao thông dẫn đến chết ngừơi

Hỏi: Anh họ tôi năm nay 25 tuổi, đang đi làm. Ngày 18/1/2018, anh tôi có có điều khiển xe ô tô của mình ngay sau khi vừa uống rượu xong, và va chạm vào 1 phụ nữ đang đi xe máy cùng chiều. Ngay sau đó, người phụ nữ đó đã được đưa vào bệnh viện được cấp cứu, tuy nhiên không qua khỏi. Tại thời điểm đó, nồng độ cồn được xác định không quá quy định pháp luật cho phép. Anh tôi bây giờ vô cùng hoang mang và cũng không biết làm thế nào. Luật sư cho tôi hỏi, anh tôi có phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài – Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa trên thông tin và bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam. xin được tư vấn như sau:

Trước hết, hành vi lái xe ô tô của anh bạn ngay sau khi uống rượu xong là thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo như thông tin ban cung cấp, thì anh trai bạn có hành vi lái xe sau khi đã uống rượu, và làm chết một người phụ nữ, do vậy anh trai bạn phải chịu trách nhiệm sau:

Thứ nhất, về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

  • Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể.

Căn cứ theo Điều 61 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

“ Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường”

Đồng thời căn cứ theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ, thì Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự” .

Như vậy, kết hợp quy định trên, trong trường hợp của bạn, anh trai là chủ sở hữu chiếc xe ô tô, và việc va chạm người phụ nữ đó không liên quan đến lỗi của họ, cũng như xảy ra trong tình thế bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, mà do lỗi của chính anh bạn. Do vậy, anh bạn sẽ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

  • Mức bồi thường thiệt hại

Căn cứ vào Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì mức bồi thường thiệt hại được xác định như sau:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết.

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng

– Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.

Trường hợp người bị hại không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ai thì không phải bồi thường khoản cấp dưỡng này.

– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo quy định Điều 260 – Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. Làm chết người;

………………………………………………………………..

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

……………………………………………………

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.”

Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì trong trường hợp trên nếu được người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì anh bạn có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn để được giải đáp cụ thể hơn.

Trân trọng./.

Chuyên viên Ngô Thị Thanh Hà

Bài viết liên quan