TRIỆT SẢN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

Triệt sản được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như thế nào?

Hỏi: Tôi đang làm việc cho Công ty về Bất động sản và đã đóng bảo hiểm xã hội liên tục được 02 năm. Do gia đình tôi đã có 02 con, nên tôi định đi triệt sản. Cho tôi hỏi: tôi là lao động nam khi đi triệt sản như vậy thì có được hưởng các chế độ của Bảo hiểm xã hội không và được hưởng như thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phòng tư vấn – Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam xin tư vấn như sau:

– Về điều kiện và thời gian hưởng chế độ thai sản khi người lao động áp dụng biện pháp tránh thai

Triệt sản là một trong những biện pháp tránh thai và được hưởng chế độ thai sản đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

          “Điều 31: Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

… đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;….

 Điều 37. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

2. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”

          Như vậy, với thông tin mà bạn cung cấp, thì bạn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi áp dụng biện pháp triệt sản và thời gian được nghỉ tối đa là 15 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần).

Về mức hưởng chế độ:

          Căn cứ theo khoản 1 điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định: ”1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;…”

Do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin, nên Công ty Luật TNHH Đại Nam xin hướng dẫn bạn công thức tính như sau:

Mức hưởng chế độ thai sản = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ x thời gian hưởng chế độ

– Về thủ tục để hưởng chế độ

          Đối với người lao động: nộp hồ sơ hưởng chế đô thai sản cho người sử dụng lao động, gồm: giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính) đối với trường hợp điều trị ngoại trú.       Đối với người sử dụng lao động: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của người lao động, thì lập danh sách gửi đến cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH và hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản của từng người lao động cùng bản điện từ.

          Trong trường hợp người lao động nhận trợ cấp thông qua người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả cho người lao động trong thời hạn tối đa 03 ngày kể từ khi nhận được tiền và danh sách do cơ quan BHXH chuyển đến

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn để được giải đáp cụ thể hơn.

Trân trọng./.        

                                                                   Chuyên viên Nguyễn Xuân Dũng

         

         

Bài viết liên quan