Trước khi đăng ký kết hôn, không nên thay đổi nhiều nơi cư trú?
Câu chuyện: anh A là công dân Việt Nam, có một thời gian định cư ở nước ngoài, nay quay về Việt Nam sinh sống. Anh A muốn kết hôn với chị B cũng là công dân việt Nam. Câu chuyện tưởng đơn giản, nhưng đã khiến anh A chật vật trong việc làm thủ tục kết hôn. Vậy nguyên nhân là gì?
Theo quy định Luật Hộ tịch 2014, thì anh A và chị B có quyền đến UBND cấp xã nơi cư trú của ½ bên để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Hồ sơ gồm có:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cấp có thẩm quyền
Vấn đề ở đây là anh A đã có một thời gian cư trú tại Nước ngoài, theo Khoản 4 Điều 22 Nghị Định 123/2015:
“Điều 22. Cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân
…4. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó….”
Theo quy định trên, anh A phải có trách nhiệm chứng minh trong thời gian anh A định cư ở nước ngoài, anh A không có kết hôn với ai. Tức anh A phải đến (hoặc ủy quyền cho người khác) đến Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước mà anh A đã định cư trước đó để làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân cho thời gian anh A định cư theo trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch 2014.
Trường hợp anh A “không chứng minh được” thì anh A làm đề nghị UBND xã nơi anh A cư trú xác minh, tuy nhiên hiểu thế nào là “không chứng minh được”. Hiện nay, có hai cách nhiểu:
Cách hiểu thứ nhất: “không chứng minh được” là việc không xuất trình được chứng cư, hoặc xuất trình không đầy đủ chứng cứ để chứng minh cho một sự việc nào đó. Tức là chỉ cần A không xuất trình Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan ngoại giao nơi anh A đã từng định cư, thì anh A có quyền yêu cầu UBND xác minh.
Cách hiểu thứ hai: A có trách nhiệm chứng minh tình trạng hôn nhân của mình, nhưng A không đủ điều kiện hoặc đã thực hiện các bước cần thiết nhưng không thể chứng minh được. ví dụ: A đã đến Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước mà anh A đã từng định cư thực hiện thủ tục, nhưng Cơ quan ngoại giao đó không thực hiện cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cho A. Tức người này phải chứng minh là mình “ không chứng minh được” thì mới có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh tình trạng hôn nhân cho mình.
Với cách hiểu thứ hai thì anh A vẫn phải sang Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước anh A đã từng định cư để thực hiện thủ tục trên hoặc anh A phải chứng minh mình không đủ các điều kiện để thực hiện thủ tục này. Vì vậy, cho đến nay, anh A vẫn chưa thể chứng minh tình trạng độc thân của mình.
Trước đây, theo Công văn số 2488/BTP-HCTP về việc thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ tư pháp hướng dẫn:
“….9. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân trong hồ sơ đăng ký kết hôn của những người đã cư trú tại nhiều địa phương khác nhau (kể cả cư trú ở nước ngoài)
Trong trường hợp một người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), thì khi đăng ký kết hôn, ngoài việc xác nhận tình trạng hôn nhân của nơi cư trú hiện tại, đương sự phải viết tờ cam kết (không có mẫu riêng) và chịu trách nhiệm về cam kết của mình về tình trạng hôn nhân trong thời gian trước đó…”
Theo đó, anh A có nghĩa vụ cam kết, mà không có trách nhiệm chứng minh mình chưa kết hôn trong thời gian định cư ở nước ngoài. Việc quy định như trước đây có thể dẫn đến một cá nhân có thể kết hôn với nhiều người, vì cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn chưa kiểm chứng được hết các điều kiện kết hôn (tình trạng hôn nhân) thực tế.
Tuy nhiên, với quy định hiện nay, thì sẽ làm khó trong việc xác định tình trạng hôn nhân cho người đã từng thay đổi nhiều nơi cư trú, có đủ điều kiện kết hôn và mong muốn kết hôn. Theo bản thân tôi, để cởi mở, hỗ trợ công dân và theo hướng cải cách thủ tục hành chính, thì quy định này cần sửa đổi thành: “Trường hợp một người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài) có thể tự mình chứng minh tình trạng hôn nhân của mình hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh tình trạng hôn nhân nhưng phải nộp phí theo quy định.”
Điều này vừa đảm bảo tính chặt chẽ, làm giảm tình trạng kết hôn trái pháp luật, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi được kết hôn của công dân. Quy định như vậy cũng phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam hiện nay.
Chuyên viên Nguyễn Thị Huế