HỎI: Tôi có thai với một người đàn ông đã có gia đình. Tôi muốn sinh con ra và tự mình nuôi dưỡng không đòi hỏi người đàn ông đó phải có trách nhiệm cấp dưỡng hay ly hôn để kết hôn với tôi, nhưng tôi muốn con mình mang họ bố và trong giấy khai sinh phải có đầy đủ tên của cha và mẹ. Xin hỏi luật sư, nguyện vọng của tôi có trái với quy định của pháp luật không? Tôi phải làm thế nào?
TRẢ LỜI:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phòng tư vấn – – Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam xin tư vấn như sau:
Mặc dù, mối quan hệ hôn nhân giữa bạn và người đàn ông đã có gia đình không được pháp luật công nhận. Song trên thực tế, thì con của bạn và người đàn ông kia là quan hệ cha con và theo quy định thì hai người vẫn có các quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm quyền họ, tên theo Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015:“…2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ…..
Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình….”
Theo đó, để con được theo họ của cha thì phải xác định được cha ruột của con và người cha cũng có mong muốn, yêu cầu nhận con. Căn cứ theo Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận con theo mẫu quy định;
– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định;
– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định.
Để đủ điều kiện thực hiện việc đó, bạn cần cung cấp những chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP như sau:
– Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con..
– Trường hợp không có văn bản theo quy định thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Khi làm đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì cũng giống như đăng ký khai sinh cho con trong giá thú, nếu cha mẹ đều thừa nhận đứa con thì đương nhiên là trong giấy khai sinh của con có ghi tên cả cha và mẹ.
Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống theo Điều 15 Nghị định 123/2015/ND-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn – để được giải đáp cụ thể hơn.
Chuyên viên Nguyễn Bảo Ngọc