Cảnh sát giao thông thấy người bị nạn mà bỏ đi có phạm tội?

Nghi vấn cảnh sát giao thông (CSGT) thấy vụ tai nạn xe công nông lật xe đè lên người dẫn tử vong (xảy ra tại xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) nhưng bỏ đi đang được dư luận rất quan tâm.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Nếu việc này là có thật thì CSGT phạm tội gì và sẽ bị xử lý ra sao? Dân Việt đã có cuôc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) để làm rõ vấn đề này.

Khi có tai nạn giao thông xảy ra, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm của CSGT phải làm gì?

– Khoản 5 Điều 4, Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04 tháng 01 năm 2016 quy định: Cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân và nhiệm vụ cụ thể sau đây: “Tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên đường bộ.”

Điều 38, Luật giao thông đường bộ cũng quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

Theo đó:

– Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

– Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

– Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Căn cứ những quy định nêu trên, khi xảy ra tai nạn giao thông chưa nói đến CSGT mà ngay cả người dân bình thường dù trực trực tiếp liên quan đến vụ tai nạn hay chỉ có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cũng phải có trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Trường hợp anh là người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn thì phải thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 38, Luật giao thông đường bộ là: “Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.”

Canh sat giao thong thay nguoi bi nan ma bo di co pham toi? - Anh 1

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam).

Giả sử chuyện người lái xe công nông bị tai nạn, CSGT thấy mà bỏ đi là có thật thì sẽ bị xử lý thế nào?

– Việc có tai nạn mà bỏ đi thì CSGT đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại Điều 102. BLHS. Cụ thể, điều luật này quy định như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”Bên cạnh đó còn bị xử lý theo quy định của ngành công an.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

Bài viết liên quan