Công ty Kinh Bắc trúng nhiều gói thầu nhưng không đóng BHXH cho người lao động?

(NĐ&ĐS) - Từ năm 2015 đến nay, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kinh Bắc (Công ty Kinh Bắc) liên tục được chỉ định thầu, trúng thầu các gói thầu thi công nhiều hạng mục công trình tại thị xã Từ Sơn. Vậy nhưng theo xác nhận của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Ninh thì không có đơn vị nào có tên như trên tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Như Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã thông tin, Công ty Kinh Bắc chưa đầy 1 tháng sau kể từ  khi thành lập đã trở thành nhà thầu phụ quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị (thuộc gói số 3: Duy trì hệ thống điện chiếu sáng đô thị, Thị xã Từ Sớn thuộc công trình dịch vụ công ích 2014).

Rồi 4 tháng sau, Cty này được chỉ định thầu làm đối tác cung cấp dịch vụ công ích điện chiếu sáng năm 2015. Những năm sau đó, Cty này liên tục được chỉ định thầu, trúng thầu các gói thầu thi công nhiều hạng mục công trình tại thị xã Từ Sơn.

Đáng nói, người đại diện theo pháp luật của Cty khi thành lập là ông Nguyễn Khắc Thành. Ông Thành là anh vợ của Chủ tịch UBND Thị xã Từ Sơn Nguyễn Xuân Thanh (thời điểm đó ông Thanh đang là Phó chủ tịch UBND Thị xã).

Mối quan hệ này khiến cho nhiều người tỏ ra hoài nghi về việc có hay không sự “ưu ái” đối với Cty Kinh Bắc trong các gói thầu liên quan đến điện chiếu sáng đô thị?

Ảnh 1

Từ năm 2015 đến nay, Cty Kinh Bắc liên tục được chỉ định thầu, trúng thầu các gói thầu thi công nhiều hạng mục công trình tại thị xã Từ Sơn

Trong một buổi làm việc với phóng viên, đại diện UBND Thị xã Từ Sơn khẳng định, chuyện chỉ định thầu đối với Cty mới được thành lập 4 tháng không có gì sai so với quy định. Việc chỉ định thầu gói dịch vụ công ích điện chiếu sáng 2015 là dựa trên hồ sơ năng lực của đơn vị.

Theo hồ sơ năng lực năm 2015, Cty Kinh Bắc có lực lượng chuyên gia và cán bộ kỹ thuật giàu năng lực chuyên môn và kinh nghiệm quản lý kinh doanh. Đội ngũ cán bộ của Cty có khả năng thực hiện tốt các công tác về tư vấn đầu tư, quản lý dự án, thiết kế và thi công công trình. Khả năng về chuyên môn và quản lý của Cty luôn được xây dựng, củng cố, huấn luyện bổ sung ở trong và ngoài nước.

IMG_5076

Theo hồ sơ năng lực năm 2015, Cty Kinh có tối thiểu 75 người lao động (chưa tính ban lãnh đạo và các phòng ban khác)

Minh chứng là ban lãnh đạo Cty đều là những người có thâm niên công tác, tối thiểu từ 5 năm trở lên.

Về lực lượng công nhân kỹ thuật, Cty Kinh Bắc có tới 75 người. Cụ thể: 3 thợ máy xây dựng; 40 thợ nề, bê tông; 3 thợ cơ khí; 5 thợ điện; 7 thợ sơn vôi; 5 thợ hàn; 3 thợ nước;  8 thợ cốt thép và 1 thợ trắc đạc viên. Số lượng cán bộ kỹ thuật và công  nhân có thể bổ sung để đảm bảo được yêu cầu tính chất công việc.

Dù mới thành lập nhưng Cty Kinh Bắc đã giải quyết việc làm cho hơn 70 người lao động. Đây là một điều đáng mừng và cần phải khích lệ đối với doanh nghiệp.

Vậy nhưng, theo công văn mà BHXH tỉnh Bắc Ninh gửi báo Nhân đạo và Đời sống thì Cty Kinh Bắc không tham gia BHXH, BHYT do BHXH tỉnh Bắc Ninh quản  lý (?).

Tại công văn số 1273/BHXH-VP ngày 25/12/2017, BHXH tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện nay không có đơn vị nào có tên là Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Kinh Bắc tham gia BHXH, BHYT do BHXH tỉnh Bắc Ninh quản lý. Do vậy không có thông tin liên quan đến việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động của đơn vị này.

Vậy những người lao động đang làm việc tại Cty Kinh Bắc đang đóng BHXH ở đâu? Quyền lợi của họ có được đảm bảo theo Luật Lao động mà Chính phủ ban hành hay không? Câu hỏi này có lẽ chỉ có các cơ quan quản lý tại địa phương mới có thể giải đáp được (!?).

IMG_5075

Công văn số 1273/BHXH-VP ngày 25/12/2017 của BHXH tỉnh Bắc Ninh

Một câu hỏi đặt ra nữa là trong các hồ sơ dự thầu nói chung và ở Thị xã Từ Sơn nói riêng, việc lựa chọn hồ sơ dự thầu ngoài việc thẩm định hồ sơ năng lực thì chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn có phải xem xét doanh nghiệp có chấp hành và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hay không?

Doanh nghiệp hồ sơ năng lực tốt nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không có trách nhiệm với xã hội cũng như bỏ quên quyền lợi của người lao động liệu có xứng đáng được chỉ định thầu hay không?

Về trường hợp của Cty Kinh Bắc, phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống vẫn đang tiếp tục tìm hiểu xem có sự nhầm lẫn nào không? Có khi nào Cty Kinh Bắc có trụ sở ở Bắc Ninh, thi công công trình ở Bắc Ninh nhưng lại đóng BHXH, BHYT cho người lao động ở tỉnh thành khác (!?).

Trước việc BHXH tỉnh Bắc Ninh xác nhận một Cty được chỉ định thầu, trúng thầu các gói thầu thi công nhiều hạng mục công trình tại thị xã Từ Sơn nhưng lại không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh về sự việc này.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù tới 7 năm

Từ 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực. Theo đó việc trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động sẽ phạt tiền tới 3 tỷ đồng hoặc ngồi tù đến 7 năm.

Điều 216 quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 50-dưới 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10-dưới 50 người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50-dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Trường hợp trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 điều này thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt từ từ 2 – 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm. Pháp nhận thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Nguyễn Tuấn

Bình luận

Thêm bình luận